Ủy ban nhân dân phường Cao Thắng tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh Dại trên động vật

Ngày 17/4/2023, UBND phường cao Thắng ban hành văn bản số 243/UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh Dại trên động vật, đồng thời triển khai tiêm phòng ngừa bệnh dại cho đàn chó, mèo đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp xúc với vật nuôi.

Thực hiện Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 02/3/2023 của UBND Thành phố Hạ Long về phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố hạ long, công văn số 15/TTDVKTNN, ngày 10/3/2023 của Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, thành phố Hạ Long, về việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh dại, cho đàn chó, mèo năm 2023. UBND phường Cao Thắng đã tổ chức triển khai tiêm Vắc xin ngừa bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn phường. Thời gian tiêm từ 25/3/2023 – 29/4/2023 tại tất cả các tổ dân trong khu dân cư trên địa bàn phường. Theo đó, các hộ gia đình có vật nuôi là đàn chó, mèo đã chủ động mang đến các điểm tiêm đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y.

Bên cạnh đó, UBND phường cũng triển khai công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình có vật nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật bằng các biệt pháp như: Tiêm phòng Vắc xin ngừa bệnh Dại cho đàn chó, mèo; chấp hành việc nuôi nhốt, xích trong khuôn viên gia đình; không thả rông chó ra đường, nơi công cộng; khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm, dây xích, có người kiểm soát và khuyến khích người dân mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ nuôi.

                                   

Hình ảnh tuyên truyền

Bệnh Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh Dại do virut gây ra, lây truyền từ động vật sang người, đa phần là do vết cắn, vết thương, vết cào, liếm... của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, người bệnh chắc chắn sẽ tử vong 100%. Điều đáng nói, các ca tử vong vì dại chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Chính tâm lý chủ quan “chó nhà” nên đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, bệnh dại hoàn toàn có thể dự phòng được bằng vắc xin. Tiêm vắc xin phòng dại trước và sau phơi nhiễm giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể chống lại virut dại. Việc tiêm vắc xin là biện pháp duy nhất và hiệu quả tốt đề phòng ngừa bệnh dại do cho người bị động vật cắn.  

Các triệu chứng của bệnh Dại: Ở vật nuôi chó là động vật có tỷ lệ mắc bệnh Dại cao nhất. Khi bị dại, chó thường có các biểu hiện lâm sàng chia thành 2 thể là thể điên cuồng (kích động) và thể dại câm (bại liệt).

Thể điên cuồng ở chó biểu hiện bởi các phản xạ vận động bị kích thích mạnh: cắn sủa dữ dội, vồ vập, dữ tợn, điên cuồng, bỏ nhà đi và không trở về, trên đường đi vật lạ gì cũng gặm, cắn, tấn công người và các con chó khác. Với thể dại câm thì con vật sẽ bại một phần cơ thể, liệt cơ hàm, nước dãi chảy lòng thòng, không cắn sủa được và chỉ gầm gử trong họng.

Đôi khi chó có cả 2 thể lâm sàng xen kẽ nhau. Thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt. Đôi khi con vật có thể không có triệu chứng điển hình nhưng tất cả các con chó bị mắc bệnh dại đều chết trong vòng 10 ngày kể từ khi có triệu chứng dại đầu tiên.

Mèo ít bị mắc hơn chó với các triệu chứng sau: Hay núp mình chỗ vắng, hay kêu, cắn khi có người chạm vào.

Người bị mắc bệnh Dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm... của động vật bị dại trên vùng da bị tổn thương. Ngoài ra dịch tiết, chất tiết của bệnh nhân mắc bệnh dại cũng là nguồn truyền bệnh từ người sang người.

Thời gian ủ bệnh trong khoảng 1-3 tháng sau phơi nhiễm, nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh lên tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh khởi phát ở người với các triệu chứng ban đầu như sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu… Sau đó có những triệu chứng viêm não tủy điển hình với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: Kích động, sợ ánh sáng, tiếng động và gió (thể dại điên cuồng) hoặc các triệu chứng liệt (thể dại liệt). Ngoài ra, bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…, tiến tới hôn mê và thường tử vong sau 7-10 ngày.

Các biện pháp xử lý kịp thời khi bị vật nuôi tấn công, cắn, cào... chúng ta phải tiến hành ngay các bước sau đây:

+ Rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, dầu gội, bột giặt,…. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng chống bệnh Dại.

+ Sau đó sát khuẩn bằng cồn 40° – 70° hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương.

+ Không làm dập nát vết thương, không khâu kín hoặc băng kín vết thương. Đặc biệt không nặn máu vết thương vì sẽ làm dập nát các mô xung quanh vết thương làm cho virus xâm nhập nhanh hơn và sâu hơn.

+ Sau khi xử lý những bước ban đầu, người dân ngay lập tức đến Trạm y tế phường hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Để phòng, chống bệnh Dại trên động vật, UBND phường Cao Thắng khuyến cáo người dân cần tham gia đủ các mũi tiêm ngừa bệnh Dại cho đàn chó, mèo của gia đình và thực hiện nghiêm túc trong việc nuôi động vật trong nhà, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình, cho người thân và cho người dân xung quanh.

Ngô Hường

Nguồn: https://suckhoequangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24