Giới Thiệu

Cao Thắng là phường loại I gần trung tâm của Thành phố Hạ Long với diện tích 2,34km2 có vị trí tiếp giáp: Phía đông giáp phường Hà Lầm, phía nam giáp phường Hồng Hải và phường Bạch Đằng, phía tây giáp phường Cao Xanh, phía bắc giáp phường Hà Khánh.

Cao Thắng là tên một vị danh tướng giỏi trong cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, ngay từ năm 1963 thị xã Hồng Gai (nay là Thành phố Hạ Long) đã quyết định đặt tên là Tiểu khu Cao Thắng.

Những ngày đầu thành lập Tiểu khu Cao Thắng dân cư có khoảng 4 nghìn người, thời bấy giờ sú vẹt và nước biển còn lấn sâu vào khu vực trung tâm phường ngày nay. Sự kiện 5-8-1964 nổ ra, Hồng Gai là địa danh mà đế quốc Mỹ chọn là một trong những điểm đánh phá đầu tiên trên miền Bắc, nhằm vào bến cảng, khu khai thác và sàng tuyển than. Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ được quân, dân thị xã Hồng Gai chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, kiên cường nên ngay trong trận đầu đã giành được thắng lợi vang dội và bắt được tên giặc lái đầu tiên trên miền Bắc. Cũng từ đó, mảnh đất Cao Thắng chủ yếu là đồi hoang, sú vẹt, nước mặn đã được chọn là một trong nơi sơ tán của các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền của Thị xã và nhân dân 2 khu phố nội thị là Bạch Đằng và Hạ Long nay là phường Bạch Đằng và phường Hòn Gai, chính vì vậy dân số lúc này tăng nhanh, một số trường học, cửa hàng thương nghiệp, lương thực cũng được hình thành để phục vụ bộ đội và nhân dân trong Tiểu khu. Với gần 15 ha đất nông nghiệp (chủ yếu là trồng rau), hợp tác xã rau Chiến Thắng cũng được thành lập từ rất sớm (năm 1961), sau khi được thành lập Hợp tác xã nhanh chóng ổn định tổ chức, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất. Hàng năm đã cung cấp hàng nghìn tấn rau các loại phục vụ nhân dân, cán bộ công nhân viê chức và lực lượng vũ trang trên địa bàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Cao Thắng đã đóng góp đáng kể sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã có trên 1.000 thanh niên hang hái lên đường nhập ngũ vào các chiến trường B, C, K và đã có 93 người đã vĩnh viễn không trở về với gia đình, trong đó có liệt sỹ anh hùng Đặng Bá Hát, 112 người đã hiến dâng một phần xương máu và sức lực của mình cho Tổ quốc. Ở địa phương cán bộ và nhân dân đã bám trụ kiên cường vừa tham gia chiến đấu, vừa tích cực sản xuất. Trong 10 năm từ 1965 đến 1975 đã đào gần 2.000 hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn khi có máy bay Mỹ bắn phá.

Khoảng 15 giờ ngày 26-7-1966, nhân dân Cao Thắng cùng các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã bắt sống tên thiếu tá phi công Mỹ ngay tại cánh đồng rau nay là khu đô thị Bãi Muối, đây là một trong những chiến công thể hiện tình đoàn kết quân dân, góp phần vào thắng lợi của quân dân Quảng Ninh nói chung, quân dân Hồng Gai (Hạ Long) nói riêng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ngày 11/6/1971 thị trấn Cao Thắng được thành lập (Quyết định số 166-TTg của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng). Theo Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính (1945-1997). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân cả nước tích cực tham gia chiến đấu và chủ động thực hiện nhiệm vụ sản xuất lương thực, thực phẩm để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, đồng thời đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh chung đó, cán bộ và nhân dân Cao Thắng cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất. Hàng năm nhân dân Cao Thắng đã cung cấp cho thị trường trên 1.200 tấn rau các loại, đàn lợn hàng năm giữ được từ 1.800 đến 2.200 con, xuất chuồng từ 108 đến 132 tấn thịt lợn. Đàn gia cầm cũng phát triển nhanh, hàng năm xuất ra thị trường từ 10 đến 15 tấn.

Ngày 10-9-1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 63-HĐBT về việc chia tách, sáp nhập một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Ninh, trong đó có việc giải thể Thị trấn Cao Thắng để thành lập hai phường lấy tên là phường Cao Thắng và phường Cao Xanh.

Khi mới được thành lập cơ sở vật chất, giao thông… của phường còn nhiều khó khăn. Đường 336 chạy qua phường nối với phường Hà Lầm lúc đó mới là đường cấp phối rộng chưa đầy 3m, bên cạnh là đường sắt chở than từ Hà Lầm ra xí nghiệp than Hòn Gai, đường giao thông đi lại vô cùng khó khăn, nhất là đoạn dốc Cao Dốc Lương (thường gọi là dốc Núi Xẻ), lúc này chưa được đổ bê tông, đường vào các xóm chật hẹp, gập ghềnh khó đi… Điện chiếu sáng thì yếu, đến giờ cao điểm các gia đình phải dùng Súpvonte tăng hết số mà vẫn lờ mờ như đèn dầu (vì lúc này cả phường chỉ có 2 trạm biến áp, một ở trung tâm phường, một ở trong khu vực Bãi Muối). Toàn phường lúc này chưa có ngôi nhà nào kiên cố (nhà cấp 3 trở lên) chủ yếu là nhà tranh, thi thoảng có một vài nhà cấp 4. Nước sinh hoạt lại càng khó khăn, chủ yếu dùng nước mưa, nước giếng, còn nước máy chỉ có một số hộ ở dọc tuyến đường 336 và khu trung tâm phường…

Với những khó khăn chất chồng từ những đầu mới thành lập mà đến nay với sự quan tâm của Thị xã Hồng Gai trước kia, Thành phố Hạ Long ngày nay cộng với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phường, Cao Thắng đã thay da đổi thịt một cách nhanh chóng. Từ một phường giáp trung tâm của Thành phố, kinh tế chậm phát triển, nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ, một bộ phận lớn là công nhân viên chức nhà nước chủ yếu nguồn thu nhập theo đồng lương hàng tháng. Đến nay kinh tế có nhiều thay đổi với tốc độ phát triển nhanh, bộ mặt đô thị khang trang, hệ thống giao thông từng bước được đầu tư nâng cấp. Nhiều công trình của nhà nước, của doanh nghiệp, của tư nhân được xây dựng khang trang. Đường bê tông, điện chiếu sáng đường đã cơ bản vào tới các tổ dân, khu phố, 11/11 khu phố có nhà Văn hóa.

 Trên địa bàn phường có trên 20 Công ty cổ phần, TNHH… Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch, thương mại, dịch vụ tăng nhanh. Đến nay có trên 800 hộ kinh doanh lớn nhỏ đa ngành nghề, tạo nguồn thu cho phường mỗi ngày một tăng, năm 1991 toàn phường thu ngân sách 162 triệu đồng đến nay tổng thu ngân sách là trên 10 tỷ đồng. Văn hóa, giáo dục phát triển mạnh, trên địa bàn phường có 6 cơ sở giáo dục, gồm trường THPT Ngô Quyền, trường trung học cơ sở Cao Thắng, trường tiểu học Cao Thắng, tiểu học Hữu Nghị , trường mầm non Cao Thắng,  trường Trung cấp dạy nghề, đều đã được đầu tư  kiên cố cao tầng khang trang với lưu lượng học sinh hàng năm trên 4.000 em.

Tính đến  tháng 6 năm 2021, dân số phường có trên 20.955 người, 7.521 hộ, được phân bổ trong 11 khu phố và 84 tổ dân. Dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ thấp khoảng 0,02%, chủ yếu là dân tộc Kinh. Toàn phường có trên 250 người theo công giáo với gần 80 hộ. Gia đình chính sách có 338 hộ, hộ nghèo có 04 hộ chiếm 0,003%

Về tổ chức Đảng , tính đến tháng 6 năm 2021 toàn Đảng bộ có 994 đảng viên, 17 chi bộ, trong đó có 11 chi bộ khu phố. Ngoài ra còn có trên 1.411 đảng viên sinh hoạt cùng phố.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 160