NGHỊ QUYẾT SỐ 42/2024/NQ-HĐND NGÀY 23/09/2024 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND ngày 23/9/2024 về một số biện pháp hỗ trợ khắc phụ hậu quả bão số 3 (bão Yagi) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2024/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 23 tháng 9 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP HỖ TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO SỐ 3 (BÃO YAGI) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2019;

Căn cứ Quyết định 118/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển;

Căn cứ các Nghị định: số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước; số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Xét các Tờ trình số 2750/TTr-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2024; số 2754/TTr-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2024; số 2735/TTr-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2024 và báo cáo số 248/BC-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh; các Báo cáo thẩm tra số 132/BC-HĐND ngày 20 tháng 9 năm 2024; số 133/BC-HĐND ngày 20 tháng 9 năm 2024 của Ban Kinh tế - Ngân sách và Báo cáo số 128/BC-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2024 của Ban Văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận, biểu quyết thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Ngày 07/9/2024, bão số 3 (Yagi) đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Quảng Ninh, được đánh giá là cơn bão với cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền ở nước ta với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cây trồng vật nuôi, các hạ tầng kinh tế xã hội; ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đến thời điểm 16/9/2024, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 24.223 tỷ đồng chiếm 1/2 tổng thiệt hại của cả nước.

Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương; sự tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân bước đầu đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại lớn chưa từng có về con người, tài sản; các mặt hàng, dịch vụ, lĩnh vực sản xuất thiết yếu cơ bản được khắc phục, nhiều hoạt động đã trở lại bình thường, một số lĩnh vực có chuyển biến nhanh hơn dự kiến (giáo dục, y tế, điện, viễn thông, du lịch...); công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống được triển khai chủ động, kịp thời.

Song hậu quả do cơn bão số 3 gây ra quá lớn, cần nhiều thời gian để đưa các hoạt động trở lại bình thường; vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có giải pháp khắc phục nhanh chóng, hiệu quả nhằm ổn định đời sống sinh hoạt của người dân và phục hồi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn lấy lại đà tăng trưởng. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như sau:

Điều 1. Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cần tiếp tục triển khai để khắc phục hậu quả do bão số 3 (bão Yagi) năm 2024 xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về “Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát” và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; chủ động bám sát và nắm chắc tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tiến độ cụ thể của từng công việc để khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung ngay việc chăm lo cho con người: hoàn thành việc tìm kiếm người còn mất tích; chăm sóc y tế cho người bị thương nặng; thực hiện ngay các chính sách đang thực hiện, đã có cơ sở pháp lý để hỗ trợ và chi trả kịp thời các chế độ, chính sách cho người dân, trong đó phải giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho thân nhân người thiệt mạng bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, “lợi ích nhóm”.

Khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra; phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền và quy định, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân được đảm bảo có môi trường sống an toàn, hợp vệ sinh trước mắt và lâu dài. Tập trung tiếp tục xây dựng và bảo đảm nguồn lực để thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, triển khai ngay các gói hỗ trợ khẩn cấp để sửa, xây mới nhà hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần phải xây mới, hư hỏng nặng phải sửa chữa và di dời chỗ ở hoàn thành trong năm 2024, bảo đảm đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

Tiếp tục khắc phục kịp thời các trụ sở cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục, y tế bị hư hỏng nhằm đảm bảo nhanh chóng điều kiện hoạt động bình thường phục vụ nhân dân. Thực hiện kiểm tra, khảo sát, đánh giá, tổng hợp tình hình các tuyến đê, các hồ đập, nhất là các khu vực đã có sự cố, hư hỏng hoặc nguy cơ hư hỏng, các chung cư cũ đã xuống cấp, những vị trí xung yếu, tiềm ẩn rủi ro cao, có nguy cơ sạt lở đất, đổ kè, sạt trượt, sạt lở bãi thải mỏ, lũ quét, ngập lụt diện rộng...Làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau mưa bão, nhất là tại các địa phương xảy ra sạt lở đất, ngập lụt.

2. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động thiệt hại của Bão số 3 đối với tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực để điều chỉnh, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 phù hợp với tình hình mới trong bối cảnh các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nông nghiệp bị thiệt hại rất nặng nề với mục tiêu quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số liên tiếp trong 10 năm liên tiếp (2015 - 2024) theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 176/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 gắn với chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Trong đó, cần rà soát, thực hiện cơ cấu lại các nhiệm vụ chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên đối với những nhiệm vụ chưa cần thiết, cấp bách để dành nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân và đầu tư phát triển (tập trung cho các công trình, Dự án đầu tư công bị thiệt hại nặng nề sau bão); điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp phù hợp với tình hình mới.

3. Tiếp tục phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, sáng tạo, “Kỷ luật và Đồng tâm”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tự lực, tự cường gắn với phát huy giá trị văn hóa con người Quảng Ninh để chung tay khắc phục nhanh và sớm nhất những thiệt hại do Bão số 3 gây ra, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, vững bước tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Điều 2. Một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) nhằm kịp thời ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

1. Hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh.

a) Mức hỗ trợ

- Đối với đối tượng đang học tại cơ sở giáo dục công lập: Bằng 100% học phí phải nộp năm học 2024 - 2025 quy định tại Nghị quyết số 65/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND ngày 19 tháng 4 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Đối với đối tượng đang học tại cơ sở giáo dục tư thục, trừ học sinh tiểu học trường tư thục: Bằng mức hỗ trợ cho đối tượng đang học tại cơ sở giáo dục công lập cùng cấp học và cùng vùng áp dụng mức học phí quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 65/2021/NQ-HĐND .

- Đối với đối tượng là học sinh tiểu học trường tư thục: Bằng mức hỗ trợ học sinh trung học cơ sở trường tư thục cùng vùng áp dụng mức học phí.

b) Thời gian hưởng hỗ trợ: Bằng số tháng học thực tế trong năm học 2024 - 2025 nhưng không quá 09 tháng.

2. Nâng mức hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2021 của HĐND tỉnh, cụ thể như sau:

- Hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục và không còn nơi ở được hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức hỗ trợ 100.000.000 đồng/hộ.

- Hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở, với mức 50.000.000 đồng/hộ.

- Đối với các nội dung khác thực hiện theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2021 của HĐND tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở chuyên ngành hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, tiêu chí xác định đối tượng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để các địa phương thực hiện.

- Thời gian thực hiện hỗ trợ: Năm 2024

3. Hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền có đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do cơn Bão số 3 năm 2024 (bão Yagi) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển.

- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí trục vớt phương tiện bị chìm, với mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/phương tiện tàu, thuyền đối với phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên; 15.000.000 đồng/phương tiện tàu, thuyền đối với phương tiện có chiều dài từ 6m đến dưới 12m.

Không xem xét hỗ trợ đối các phương tiện tàu thuyền đã mua bảo hiểm thân, vỏ tàu; các phương tiện tàu, thuyền không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống bão hoặc không thực hiện di chuyển, neo đậu vào đúng vị trí (khu vực) neo đậu, tránh trú bão theo chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hồ sơ và điều kiện hỗ trợ đảm bảo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện hỗ trợ: Năm 2024.

4. Nguồn kinh phí thực hiện: từ nguồn kinh phí dành cho công tác khắc phục thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Ngân sách tỉnh để chi trả và cấp bổ sung cho các địa phương để thực hiện chính sách.

5. Nguyên tắc hỗ trợ

- Chính sách hỗ trợ khẩn cấp được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, công khai, minh bạch, trực tiếp đối với các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự thủ tục, hồ sơ đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát đúng quy định.

- Trường hợp các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ và của tỉnh Quảng Ninh ban hành có cùng nội dung quy định thì đối tượng chỉ được hưởng hỗ trợ chính sách có mức cao nhất.

- Ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước quy định tại Nghị quyết này, khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình phát huy tinh thần tự lực tự cường, huy động các nguồn lực khắc phục khó khăn để nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ tại Nghị quyết này, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực; chủ động hướng dẫn, xử lý những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong triển khai thực hiện Nghị quyết báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, phấn đấu hoàn thành hỗ trợ trong tháng 11/2024;

Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách hỗ trợ tập trung vào hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; sửa chữa, khôi phục trụ sở, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại..báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp, các cơ quan có liên quan tham gia giám sát, phối hợp thực hiện đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch, chính xác.

2. Thường trực, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, Kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 23 tháng 9 năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.


Nơi nhận:

- UBTV Quốc hội; Chính phủ (báo cáo);
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- Các Bộ: Tài chính, NN&PTNT, Tư pháp;
- Kiểm toán nhà nước;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV;
- Các ban xây dựng Đảng và VP Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ và tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- VP: Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Trung tâm Truyền thông tỉnh; Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, HĐ10.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 116