Từng bước triển khai đồng bộ công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tiếp nhận kiến nghị của cử tri, nhân dân toàn tỉnh về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, có phương án từng bước triển khai đồng bộ.

Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.

Cử tri và nhân dân trong tỉnh gửi tới Kỳ họp thứ 20 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra vào tháng 8/2024) nội dung kiến nghị về việc tỉnh cần tăng cường quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, thực hiện công tác thu gom, xử lý rác theo quy định. Bởi UBND tỉnh đã có hướng dẫn và chính sách cụ thể để khuyến khích phân loại rác thải sinh hoạt hộ gia đình, tiến hành thu gom, xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn lực thực hiện công tác này có hạn.

Tiếp nhận nội dung kiến nghị này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT và UBND các địa phương tiến hành rà soát toàn bộ các nội dung liên quan. Bao gồm: Công tác phân loại rác tại nguồn; công tác thu gom, tập kết, vận chuyển rác thải sinh hoạt hộ gia đình; việc đầu tư xây dựng, vận hành các khu xử lý rác thải rắn... Thực tế cho thấy, toàn tỉnh đang từng bước triển khai đồng bộ công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, tỉnh đã bố trí nguồn vốn, xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư tham gia dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, vận hành 19 lò đốt tại 17 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tổng công suất thiết kế các lò đốt là 663,2 tấn rác/ngày đêm.

Chi hội Phụ nữ khu phố Hòa Bình (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) thực hiện phân loại, tái chế rác thải nhựa.

Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng, đang vận hành 5 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt quy mô dưới 10ha tại các địa điểm là: Xã Vũ Oai (TP Hạ Long), phường Mông Dương (TP Cẩm Phả), xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu), xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên), xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô). Tổng công suất thiết kế các bãi chôn lấp là 750 tấn/ngày đêm. Một khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đạt công suất xử lý 400 tấn rác/ngày, với phạm vi tiếp nhận toàn bộ các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu.

Về các điểm tập kết, phương tiện vận chuyển, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng... làm điều kiện để quy hoạch và xây dựng các điểm tập kết rác thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh hiện đã bố trí 884 điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt trước khi vận chuyển về khu vực xử lý. Một số địa phương như Ba Chẽ, Cẩm Phả, Uông Bí, Cô Tô... đã bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước để xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Mục tiêu là tiến tới xóa bỏ các điểm tập kết không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Năm 2024, dự toán chi cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở 13/13 địa phương đạt khoảng 860 tỷ đồng. Khi công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, các địa phương sẽ đưa các yêu cầu về việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường của phương tiện, thiết bị; công nghệ xử lý đảm bảo khả năng thực hiện thu gom, vận chuyển các loại rác khác nhau sau khi đã phân loại. Đặc biệt là yêu cầu các đơn vị thu gom, vận chuyển gắn thiết bị theo dõi hành trình để giám sát các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt... quán triệt ngay từ bước đấu thầu, đặt hàng dịch vụ.

Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành phối hợp rà soát, bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất để công tác thu gom rác thải từng bước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời huy động sự vào cuộc của người dân trong việc phân loại rác thải tại hộ gia đình, nhân rộng như các mô hình tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, hữu cơ... Đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030”.

Từ tháng 4/2024, huyện Vân Đồn khởi động chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo trên địa bàn, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và phát triển du lịch xanh, bền vững. Cụ thể bằng việc vận động nhân dân, du khách tới 5 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi và Bản Sen sẽ để lại rác thải nhựa (chai lọ, cốc, túi nilon) ngay từ các cảng tàu. Đồ dùng thay thế gồm các loại cốc, ống hút, bát mang đi đều bằng giấy do địa phương chuẩn bị sẵn.
Vân Đồn đưa ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa và đến năm 2030 thì không có rác thải nhựa trên địa bàn các xã đảo.

 

Nguồn: https://baoquangninh.vn/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8