Thông tin truyền thông về bệnh Bạch hầu

Các biện pháp dự phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế

1. Bệnh Bạch hầu

Bệnh Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhiễm trùng - nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu Corynebacterium Diphtheriae gây nên. Bệnh thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đường lây chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn Bạch hầu có trong dịch tiết từ mũi họng của bệnh nhân. Tổn thương của Bạch hầu là viêm, loét ở vùng mũi, họng, thanh quản với những màng giả mạc kèm theo biểu hiện nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan, nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận và thượng thận do ngoại độc tố (là độc tố do vi khuẩn tiết ra môi trường) theo hệ tuần hoàn và bạch huyết đi khắp cơ thể gây ra.

Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh Bạch hầu. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ nhiễm khoảng 15% - 20% ở trẻ chưa có miễn dịch.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng bằng vắc xin kết hợp với các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu khác. Bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD).

Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng. Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Trong một số trường hợp đã ghi nhận người mang vi khuẩn mãn tính trên 6 tháng.

2. Các biện pháp dự phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế

- Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu: Tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

(lịch tiêm chủng chi tiết tại Phụ lục 2).

- Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu:

+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

+ Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

+ Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ.

+ Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, thăm khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

+Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

3. Một số tài liệu truyền thông

- Cục Y tế dự phòng: https://vncdc.gov.vn/khuyen-cao-phong-chong-benh-bach-hau-nd13466.html

- Thông điệp phát thanh: http://t5g.org.vn/thong-diep-phat-thanh-phong-chong-bach-hau

- Video clip: http://t5g.org.vn/thong-diep-bach-hau-ho-ga

- Tờ gấp: http://t5g.org.vn/benh-bach-hau-va-cac-bien-phap-phong-tranh-2

- Áp phích: http://t5g.org.vn/benh-bach-hau-va-cac-bien-phap-phong-tranh

- Inforgraphic: https://infographics.vn/khong-chu-quan-voi-benh-bach-hau /16708.vna

Phụ lục 2: Lịch tiêm chủng một số loại vắc xin phòng Bạch hầu

1. Thông tin một số loại vắc xin phòng bệnh Bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng

STT

Phòng bệnh

Tên vắc xin

Nước sản xuất

Lịch tiêm-Lứa tuổi

1

Vắc xin phối hợp chứa thành phần Bạch hầu

SII

(5 trong 1)

Ấn Độ

- Đối tượng: trẻ dưới 1 tuổi

- Lịch tiêm: tiêm 3 mũi cơ bản, từ 2 tháng tuổi, mũi sau cách mũi trước ít nhất 1 tháng.

2

DPT

(3 trong 1)

Việt Nam

- Đối tượng: trẻ từ 18-24 tháng

- Tiêm 01 mũi.

3

Vắc xin phối hợp chứa thành phần Bạch hầu giảm liều

Td

Việt Nam

Tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 7 tuổi

2. Thông tin một số loại vắc xin dịch vụ phòng bệnh Bạch hầu cho trẻ em, người lớn

STT

Phòng bệnh

Tên vắc xin

Nước sản xuất

Lịch tiêm-Lứa tuổi

1

Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Bại liệt-Hib-VGB

Infanrix hexa

(6 trong 1)

Bỉ

Từ 6 tuần tuổi. Tiêm 3 mũi, mũi sau cách mũi trước ít nhất 1 tháng. Mũi thứ 4 tiêm cách mũi 3: ít nhất 6 tháng, ưu tiên tiêm trước 18 tháng.

2

Hexaxim

(6 trong 1)

Pháp

Từ 6 tuần tuổi. Tiêm 3 mũi, mũi sau cách mũi trước ít nhất 4 tuần. Mũi thứ 4 ưu tiên tiêm trước 24 tháng tuổi và cách mũi cơ bản cuối cùng ít nhất 6 tháng.

3

Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Bại liệt-Hib

Pentaxim

(5 trong 1)

Pháp

Tiêm 3 mũi cơ bản, từ 2 tháng tuổi, mũi sau cách mũi trước ít nhất 1 tháng. Mũi thứ 4 tiêm trong năm tuổi thứ 2

4

Infanrix-IPV-Hib

(5 trong 1)

Bỉ

3 mũi: Mũi 1 bắt đầu từ 2 tháng tuổi. Mỗi mũi cách nhau 1 tháng.

Mũi nhắc lại: vào năm tuổi thứ 2, cách mũi 3 ít nhất 6 tháng.

5

Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Bại liệt

Tetraxim

(4 trong 1)

Pháp

Tiêm 3 mũi cơ bản, từ 2 tháng tuổi, mũi sau cách mũi trước ít nhất 1 tháng. Mũi thứ 4 tiêm trong năm tuổi thứ 2.

Mũi thứ 5, nhắc lại từ lúc 5-13 tuổi.

6

Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván

Adacel

Sanofi

(Canada)

Tiêm cho đối tượng từ 4 tuổi đến 64 tuổi

- Trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn đã tiêm đủ lịch cơ bản: Tiêm 1 mũi và sau đó cứ 10 năm nhắc lại 1 lần

- Trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn chưa tiêm đủ lịch cơ bản:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Một tháng sau mũi 1
  • Mũi 3: Sáu tháng sau mũi 2

Tiêm nhắc lại một mũi mỗi 10 năm hoặc tiêm nhắc theo độ tuổi khuyến cáo.

7

Boostrix

Bỉ

- Trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn đã tiêm đủ lịch cơ bản: Tiêm 1 mũi và sau đó cứ 10 năm nhắc lại 1 lần

- Trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn chưa tiêm đủ lịch cơ bản:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Một tháng sau mũi 1
  • Mũi 3: Sáu tháng sau mũi 2
  • Tiêm nhắc lại một mũi mỗi 10 năm hoặc tiêm nhắc theo độ tuổi khuyến cáo.

8

Bạch hầu- Uốn ván

Td

Việt Nam

- Trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn đã tiêm đủ lịch cơ bản: Tiêm 1 mũi và sau đó cứ 10 năm nhắc lại 1 lần

- Trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn chưa tiêm đủ lịch cơ bản:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Một tháng sau mũi 1
  • Mũi 3: Sáu tháng sau mũi 2

Tiêm nhắc một mũi mỗi 10 năm hoặc tiêm nhắc theo độ tuổi khuyến cáo.

 

Trạm Y tế phường Cao Thắng tuyên truyền

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 297