Tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện và Xuất khẩu lao động

Sáng ngày 13/6/2024, UBND phường Cao Thắng đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện và Xuất khẩu lao động, Hội nghị đã thu hút được 80 đại biểu là cán bộ khu phố và Nhân dân tham gia tập huấn

Hội nghị tập huấn đã tuyên truyền các nội dung về lợi ích, vai trò chính sách BHXH tự nguyện, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy định về chính sách hỗ trợ đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quáng Ninh, giai đoạn 2023 - 2027, tập huấn kỹ năng tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, truyền thông về chương trình xuất khẩu lao động, chính dách hỗ trợ xuất khẩu lao động theo quy định.

Toàn ảnh Hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện và Xuất khẩu lao động 

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

I. Đối tượng tham gia
1. Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.
II. Phương thức đóng
1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
2. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Thực hiện kể từ ngày 01/01/2016.
3. Mức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hằng tháng theo quy định nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 6 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
4. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau (chẵn 12 tháng) nhưng không quá 5 năm 1 lần được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
5. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm 1.6 Khoản 1 Mục II được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
6. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm mà trong thời gian đó Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
7. Người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:
    - Thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;
    - Hưởng BHXH một lần;
    - Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.

III. Phương thức đóng

1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
    1.1. Đóng hằng tháng;
    1.2. Đóng 3 tháng một lần;
    1.3. Đóng 6 tháng một lần;
    1.4. Đóng 12 tháng một lần;
    1.5. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần;
    1.6. Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4 và 1.5 Khoản 1 cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm 1.6 Khoản 1 Mục này.
3. Người tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

IV. Thời điểm đóng

1. Thời điểm đóng BHXH đối với phương thức đóng quy định như sau:
    - Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;
    - Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;
    - Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;

    - Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

2. Thời điểm đóng BHXH đối với trường hợp đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu quy định tại Điểm 1.5 và Điểm 1.6 Khoản 1 Mục II được thực hiện tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.

3. Quá thời điểm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 1 Mục này mà người tham gia BHXH tự nguyện không đóng BHXH thì được coi là tạm dừng đóng BHXH tự nguyện. Người đang tạm dừng đóng BHXH tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH với cơ quan BHXH. Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng

V. Quyền lợi khi tham gia

Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ sau:
    1. Chế hộ hưu trí;
    2. Trợ cấp BHXH 1 lần    
    3. Chế độ tử tuất
Nguồn: https://baohiemxahoi.gov.vn/
CHÍNH SÁCH XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo

Nội dung hướng dẫn tại Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Đối tượng người lao động được hỗ trợ xuất khẩu lao động

Thực hiện theo quy định tại điểm b mục 4 Phần III Quyết định 90/QĐ-TTg gồm có:

+ Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cư trú trên địa bàn các huyện nghèo (không bao gồm các địa bàn được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030), xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;

+ Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Phương thức hỗ trợ xuất khẩu lao động

1. Đối với hoạt động hỗ trợ người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài:

Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp khi tuyển chọn lao động tại các các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trường hợp người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề, đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có trách nhiệm hỗ trợ người lao động cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ để nhận hỗ trợ.

2. Giới thiệu, tư vấn về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động và thân nhân người lao động, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

3. Đối với hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Nguyên tắc hỗ trợ xuất khẩu lao động

- Hỗ trợ đúng đối tượng, nội dung quy định tại điểm b mục 4 Phần III Quyết định 90/QĐ-TTg, phù hợp với nhu cầu của người lao động.

- Bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, bình đẳng giới.

Nội dung hỗ trợ xuất khẩu lao động

- Người lao động thuộc hộ nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 15/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

- Người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Hỗ trợ tiền đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và hỗ trợ các chi phí khác theo khoản 1 Điều 25 Thông tư 15/2022/TT-BTC.

- Người lao động khác đang sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Hỗ trợ tiền đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề.

- Người lao động và thân nhân của người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo: Hỗ trợ giới thiệu, tư vấn để tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận: Hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động.

Nguồn: thuvienphapluat.vn
 
Ngô Hường

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 517