Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của TP Hạ Long đang chú trọng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Do đó, địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Nhà có hơn 8 sào đất trồng ổi lê Đài Loan. Nhưng 2 năm nay, bà Hà Thị Bẩy ở thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương hầu như không phải sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học để chăm sóc cây ổi. Bã đậu, bã cà phê, các phụ phẩm từ nông nghiệp… là nguyên liệu để bà Bẩy tự tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. 

Bà Hà Thị Bẩy cho biết: Ở thôn Đồng Giang có gần 40 hộ cùng tự làm và sử dụng phân bón hữu cơ giống như bà. Phân này có nhiều tác dụng: làm đất tơi xốp, diệt được mầm trứng, sâu bệnh trong đất và giảm được 90% chi phí so với tiền mua phân bón hóa học. Khi dùng phân này để tưới cho cây ổi thì quả ổi mã sáng đẹp, ăn có vị mềm, mát. Hiện tại 90% phân bón cho cây ổi của gia đình bà là loại phân hữu cơ tự làm này. Chỉ thời điểm cây  ra nhiều quả thì bón hỗ trợ thêm một ít phân hóa học. "Ví như là mì chính bỏ vào canh thôi" - bà Bẩy cười so sánh.

Bà Hà Thị Bẩy đang tự ủ phân hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp

Xã Sơn Dương hiện đang là vùng trồng ổi tập trung lớn nhất của thành phố Hạ Long với diện tích khoảng 150ha; trong đó có 10ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Quả ổi lê của xã Sơn Dương cũng đã được tỉnh Quảng Ninh công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Tuy nhiên nếu sử dụng nhiều phân vô cơ sẽ làm thoái hóa đất, chai đất, cây trồng kém phát triển dẫn tới chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu. Để giữ vững và phát triển thương hiệu ổi lê của xã, rất nhiều hộ dân đã sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh để chăm sóc cây trồng, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm lại vừa giảm chi phí phân bón và thân thiện với môi trường

Sử dụng các chế phẩm từ sản xuất nông nghiệp để làm phân bón, hay chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng là những kinh nghiệm mà người nông dân Việt Nam đã áp dụng từ lâu đời trong sản xuất nông nghiệp. Sau một thời gian dài lạm dụng phân bón hóa học và các loại hóa chất bảo vệ thực vật, nhiều người đã quay trở lại với phương thức canh tác thân thiện với môi trường. Cùng với việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, nhiều nông dân ở Hạ Long đã đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm lệ thuộc vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ hóa học.

Măng tây của gia đình anh Nguyễn Đức Thêm sau khi đưa vào trồng trong nhà màng và sử dụng phân bón hữu cơ cho chất lượng măng tốt hơn, sức sống của cây măng "bền" hơn, đất trồng ít bị thoái hóa

Tại thôn Chân Đèo, xã Thống Nhất, anh Nguyễn Đức Thêm đã có 7 năm kinh nghiệm trồng cây măng tây. Sau khoảng thời gian dài trồng theo phương pháp truyền thống, anh đã nhận thấy những hạn chế của việc trồng cây măng tây ngoài tự nhiên và hậu quả của việc lạm dụng phân bón hóa học đối với đất và chất lượng cây măng. Do đó, anh đã quyết định đầu tư hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và thay đổi nguồn phân bón. Anh chia sẻ: Để chuyển dần sang xu hướng sản xuất an toàn cho con người, tôi đã hạn chế sử dụng phân hóa học và tăng cường đẩy mạnh nguồn phân hữu cơ. Vụ măng tây này, tôi phải bổ sung gần 100 tấn phân hữu cơ, làm sao để sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng sạch nhất, an toàn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Ngoài măng tây, anh cũng trồng các loại dưa (dưa chuột baby, dưa lưới, dưa lê) trong nhà màng để hạn chế tối đa phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời dùng phân hữu cơ để bón cho cây trồng).

Nhằm đồng hành cùng nông dân phát triển nông nghiệp bền vững, hàng năm thành phố Hạ Long cũng tích cực triển khai các lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, cây ngô và các loại cây ăn quả. Qua đó giúp người nông dân biết sử dụng đúng cách các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao; giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường.

Bà Nguyễn Thị Dung ở thôn 4, xã Quảng La cho biết: Chúng tôi trồng lúa bao nhiêu năm, nhưng không biết đường chăm bón, phun thuốc đúng cách mà chỉ theo kinh nghiệm truyền lại. Sau khi tham gia lớp IPM trên cây lúa, được học các thầy cô truyền đạt kiến thức, chúng tôi chăm bón và phun thuốc đúng lúc, đúng cách thì lúa năng suất rất cao mà lại ít ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vườn na của ông Nguyễn Văn Chiến xanh tốt hơn, cho sản lượng và chất lượng quả cao hơn nhờ sử dụng phân bón đúng cách theo hướng dẫn của lớp IPM

Còn ông Nguyễn Văn Chiến, một người trồng na lâu năm ở thôn Làng, xã Thống Nhất thì chia sẻ: Trước đây khi bón phân cho cây na, tôi cũng giống như hầu hết mọi người ở đây đều mua phân chuồng tươi bón trực tiếp vào gốc nên cây na hay bị bệnh chết. Từ khi học lớp IPM về, chúng tôi biết cách xử lý phân trước khi bón cho cây và bón đúng cách, đúng thời điểm nên cây phát triển rất tốt, quả sai và to đều. Phân bón được xử lý kỹ cũng tốt cho môi trường, an toàn cho cây và cho người dùng.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn để giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng được coi là hướng canh tác bền vững trong tương lai. Do đó, bên cạnh việc đồng hành, khuyến khích người dân tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, thành phố Hạ Long cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm hướng tới một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Nguồn: halongcity.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9